Đặc biệt vào cuối năm 2012, đạo diễn Lê Phong Lan có tung ra
một bộ phim tựa đề Tết Mậu Thân 68 và
được giới thiệu rình rang trên các phương tiện truyền thông như là một tài liệu
trung thực, không che giấu một chi tiết
nào. Theo bà Lan thì đã bị “thôi thúc
đi tìm câu trả lời từ phía những người đã từng đứng phía bên kia chiến tuyến.
Bà đã sang Mỹ nhiều lần, lặn lội khắp mọi nơi tìm nhân chứng, tư liệu. Rất
nhiều người trong cuộc mà bà phỏng vấn nay đã ra đi, nhưng may mắn là sự thật
lịch sử được ghi lại từ họ. Bộ phim Mậu Thân 1968 sẽ không tránh né những quan
điểm thẳng thắn, những góc nhìn khác nhau của các nhà nghiên cứu lịch sử, những
người trong cuộc về những điều được và mất của cách mạng Việt Nam trong sự kiện
Mậu Thân 1968”.
Đọc những dòng này tôi có cảm tưởng như bà Lan “không đứng về
phe nào” và chỉ muốn đi tìm sự thật về Tết Mậu Thân 68 và đặc biệt về những gì
xảy ra ở Huế. Tuy nhiên khi đọc tiếp bài phỏng vấn bà ta cũng như theo dõi những
đoạn phim thì tôi cực kỳ thất vọng và ngỡ ngàng. Nói một cách nhẹ nhàng, thì tôi
rất hoài nghi về cái gọi là “trung thực” của bà, một sự trung thực mà ngay Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang mới đây thôi, ngay ngày mồng một Tết Quý Tị 2013 đã
phát biểu :“Từ trước đến nay, chúng ta có
cái bệnh rất lớn là không dám nói lên sự thật.”[1]